Phản Tề Thôi Huệ Cảnh

Thoát khỏi kinh thành

Thôi Huệ Cảnh thấy cựu thần bị giết sạch, tự thấy bản thân tuổi cao chức trọng, càng ngày càng lo sợ không yên, dần dần có ý muốn làm phản.

Khi đại quân thảo phạt Thọ Dương sắp lên đường, vừa lúc Tiêu Bảo Quyển đang xuất du ở thành Bạch Hạ, bèn triệu Thôi Huệ Cảnh một ngựa vào thành. May mắn là khi tiếp kiến, Tiêu Bảo Quyển chỉ nói vài lời phủ dụ, Thôi Huệ Cảnh vội vàng vái lạy từ biệt, ra khỏi thành thì lưng ông đã đẫm mồ hôi. Về nơi đóng quân, Thôi Huệ Cảnh mới dám cởi lòng, nói với tả hữu rằng:

"Chuyến này thật là nguy hiểm, bây giờ nghĩ lại, ta vẫn còn sợ!"

Con trai của Thôi Huệ Cảnh là Trực Các tướng quân Thôi Giác vào lúc đưa tiễn đại quân lên đường, đã cùng ông bàn bạc. Khoảng tháng 4, khi đại quân đã đến Quảng Lăng[20], Thôi Giác lập tức trốn khỏi kinh sư, chạy đến Quảng Lăng, cha con gặp nhau ở đó.

Khởi sự Quảng Lăng

Thôi Huệ Cảnh thấy cha con mình đã thoát khỏi kinh thành, vô cùng cao hứng. Ông soái quân đi khỏi Quảng Lăng hơn 10 dặm, lập tức triệu tập các quân chủ mở hội nghị, nói:

"Tôi chịu hậu ân của 3 đời vua, muốn đem hết sức mình báo đáp xã tắc. Nay ấu chủ hôn ám, triều đình bại hoại, nguy cơ chỉ sớm tối, nếu không phù trợ, tội vạ nặng nề. Ta muốn cùng các anh lập nên đại công, giữ yên xã tắc, các anh thấy thế nào?"

Mọi người đều hưởng ứng. Đại quân quay đầu, trở lại Quảng Lăng, tiến công Kiến Khang.

Trận Tương Sơn

Tề Đế Tiêu Bảo Quyển nghe tin Thôi Huệ Cảnh khởi sự, lập tức phong Tả Hưng Thịnh làm Hữu Vệ tướng quân, lĩnh binh thảo phạt Thôi Huệ Cảnh. Thôi Huệ Cảnh lưu lại Quảng Lăng đôi ba ngày, rồi mới soái quân vượt sông tiến xuống Giang Nam. Giang Hạ Vương Tiêu Bảo Huyền hưởng ứng Thôi Huệ Cảnh, hợp binh lực 2 trấn tương trợ. Thôi Huệ Cảnh liền tôn Tiêu Bảo Huyền làm chủ. Lúc này, Tiêu Bảo Quyển phái mã quân chủ Thích Bình, hoàng cung ngoại giám Hoàng Lâm Phu đi trước đến Kinh Khẩu[21] hiệp lực phòng ngự, nhằm ngăn trở Thôi Huệ Cảnh tiến công Kiến Khang. Ngày 15, tháng 3, Tiêu Bảo Quyển phái Trung lĩnh quân Vương Oánh soái lĩnh các cánh quân ở Hồ Đầu[22] xây đắp thành bảo, liên kết cánh quân đóng ở chân núi phía tây Tương Sơn[23], cả thảy hơn vạn người để chống lại Thôi Huệ Cảnh. Quân của Thôi Huệ Cảnh đến Tra Hình[24], người đắp đê[25] là Vạn Phó Nhân hiến kế rằng:

"Nay đường bằng bị đài quân cắt đứt, không thể tiến lên. Tương Sơn có một con đường nhỏ thông đến Kiến Khang, chính là xuất kì bất ý vậy!"

Thôi Huệ Cảnh nghe lời ấy, nên phái 1000 sĩ tốt men theo đường nhỏ của Tương Sơn, từ chân núi phía tây nhân đêm tối tấn công. Quân triều đình kinh hãi, chạy trốn khắp nơi. Vua Tề lại sai Tả Hưng Thịnh đưa 3 vạn quân chống cự với Thôi Huệ Cảnh ở cửa Bắc Li. Tả Hưng Thịnh chưa đánh đã bỏ chạy.

Bao vây Kiến Khang

Không lâu sau, Thôi Huệ Cảnh tiến vào Nhạc Du Uyển[26], bao vây cung thành, các nơi Thạch Đầu[27], Bạch Hạ, Tân Đình[28], quân Tề chưa đánh đã trốn mất. Vào lúc Tả Hưng Thịnh rút lui, không có cách nào để vào cung, bèn trốn vào một con thuyền chở cỏ lau trên bến sông Hoài, bị Thôi Huệ Cảnh bắt được, mang ra chém đầu. Người ở kinh thành vô cùng hoảng sợ, Thôi Huệ Cảnh lại tuyên đọc lệnh của Phụng Đức thái hậu, phế Tiêu Bảo Quyển xuống làm Ngô Vương.

Lúc này, Thôi Giác cùng Thôi Cung Tổ tranh công, Thôi Huệ Cảnh không thể quyết định. Thôi Cung Tổ lại khuyên Thôi Huệ Cảnh dùng lửa đốt lầu Bắc Dịch, nhưng Thôi Huệ Cảnh thấy đại sự đã định, nên không đồng ý. Thôi Huệ Cảnh là người hay nói đạo nghĩa, lại thêm hiểu biết phật lý, đối với mọi người thường cao đàm khoát luận, khiến Thôi Cung Tổ trong lòng ngầm oán vọng. Đồng thời, Tề Đế Tiêu Bảo Quyển phái mật sứ ban chiếu cho Tiêu Ý đang đóng quân ở Tiểu Hiện[29] đưa quân về cứu kinh sư. Tiêu Ý lĩnh hơn ngàn người từ Thái Thạch[30], vượt sông lên bờ, đến được Việt Thành[28]. Ban đầu, Thôi Cung Tổ khuyên Thôi Huệ Cảnh sai 2000 người chặn quân ở bờ tây, lệnh không được vượt sông. Nhưng Thôi Huệ Cảnh lấy lý do rằng: thành sớm muộn sẽ hàng, ngoại viện ắt sẽ tan đi, mà không đồng ý. Bây giờ, Thôi Cung Tổ xin đánh, Thôi Huệ Cảnh cũng không cho phép, chỉ sai Thôi Giác lĩnh tinh binh hơn ngàn người vượt bờ nam, nhưng bị thua to trở về, hơn 2000 người chết đuối. Khi ấy Thôi Cung Tổ cướp được một nữ kĩ ở đông cung lại bị Thôi Giác giành mất, Thôi Cung Tổ vừa buồn vừa giận, nên đúng vào lúc nguy nan, đã cùng với kiêu tướng Lưu Linh Vận hàng Tề, sĩ khí của quân Thôi Huệ Cảnh hoàn toàn bị bẻ gãy.

Kết cục

Ngày 17 tháng 5 năm 500, Thôi Huệ Cảnh thấy đại thế đã mất, đành lĩnh một số thị tòng lặng lẽ trốn khỏi đại doanh. Trên đường, thị tòng đều bỏ trốn, Thôi Huệ Cảnh một ngựa chạy đến Giải Phổ[31], bị dân chài giết chết, khi đó được 63 tuổi. Người dân chài đặt đầu ông vào một cái giỏ đựng cá trạch, đưa đến kinh thành Kiến Khang.

Thôi Huệ Cảnh cử binh bao vây kinh thành 12 ngày, nhưng về sau vì ông chỉ huy không tốt, cuối cùng bị quân triều đình đánh bại.